Cầu Kè chủ động ứng phó với khô hạn, nước mặn xâm nhập
       Trong những năm gần đây tình hình khô hạn, nước mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, huyện Cầu Kè nói riêng luôn diễn biến phức tạp và khó lường, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân. Rút kinh nghiệm về tình hình hạn mặn trong những năm vừa qua, bước vào đầu năm nay các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Cầu Kè đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó, góp phần đảm bảo tốt cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt cho người dân.

Nạo vét kênh nội đồng bị bồi lắng ở xã Phong Phú

      Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm nay huyện đã đầu tư nạo vét 34 tuyến kênh cấp II và cấp III trên địa bàn huyện, có tổng chiều dài gần 46 km. Nhờ đó đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh của bà con nhân dân. Ông Nguyễn Văn Chiến, ở ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh cho biế: Trong vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 gia đình ông đã xuống giống được 13 công, hiện trà lúa đang trỗ đều cuối bông cái, đây là giai đoạn quan trọng cây lúa cần được cung cấp đủ nước cũng như dinh dưỡng để phát triển tốt và đạt năng suất tối đa. Mặc dù hiện nay đang trong giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, độ mặn trên tuyến sông Hậu đang ở mức cao và các cống đầu mối như Rạch Rum, ở xã Hòa Tân, cống Mỹ Văn, xã Ninh Thới, cống Bông Bót, cống Tân Dinh xã An Phú Tân đã được đóng lại để ngăn mặn, nhưng lượng nước ngọt dự trữ bên trong các tuyến kênh nội đồng còn khá nhiều, vẫn đảm bảo cho ông Chiến cũng như nhiều bà con nông dân ở địa phương bơm tát lên đồng ruộng, cây lúa sinh trưởng tốt và hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu. Ông Chiến nói: “Đông Xuân năm rồi thì điều kiện thủy lợi còn lại một số đoạn kênh chưa hoàn chỉnh cho nên lượng nước phục vụ cho sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, bà con bơm tát phải chắt mới đủ nước để phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân năm rồi. Nhưng năm nay thì Đảng, Nhà nước có quan tâm chỉ đạo, khảo sát lại các đoạn kênh bị cạn năm rồi năm nay nạo vét hoàn chỉnh, lượng nước phục vụ đảm bảo cho nên bà con rất phấn khởi cho vụ Đông Xuân năm nay. Còn khoảng 02 tuần nữa là thu hoạch thì đảm bảo năng suất sản lượng năm nay nhìn chung so với năm rồi thì khá”.

 

Ông Nguyễn Văn Chiến, ở ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh chăm sóc diện tích lúa Đông Xuân của gia đình

      Được biết: Vụ lúa Đông Xuân năm nay toàn huyện Cầu Kè xuống giống được hơn 7.400 hécta, các diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng đến trỗ chín. Nhờ được chủ động trong công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng, đặc biệt là ở các khu vực gò cao thường bị thiếu nước ngọt như ở các xã: Phong Phú, Châu Điền, Hòa Ân và Phong Thạnh, nên tính đến thời điểm hiện tại hầu hết các diện tích lúa Đông Xuân của bà con đều đảm bảo đủ nguồn nước tưới và phát triển tốt. Ông Thạch Giàu, ở ấp 2, xã Phong Thạnh cho biết: Với diện tích 3,5 công đất ruộng, vụ lúa Đông Xuân năm rồi ông sản xuất bị thua lỗ nặng vì thiếu nước ngọt bơm tát lên ruộng, mặc dù ruộng của ông nằm cặp tuyến kênh, máy bơm được túc trực sẵn, nhưng do nguồn nước dưới kênh cạn kiệt máy bơm không hoạt động được. Nhưng trong vụ lúa Đông Xuân năm nay thì khác, tuyến kênh bị bồi lắng năm nào giờ đã được nạo vét, khơi thông dòng chảy và lúc nào cũng đảm bảo đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cho bà con trong khu vực, nhờ đó mà diện tích lúa Đông Xuân năm nay của ông Giàu cũng như nhiều bà con khác đang phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch trong vài ngày tới và hứa hẹn cho năng suất bội thu: Ông Thạch Giàu phấn khởi nói: “Năm rồi kênh này cạn veo hà không có nước tát, lâu lâu mới tát được lần. Năm nay xã làm kênh, xáng cuốc sâu nước được nhiều, tát năm nay lúa tốt, vụ Đông Xuân này thấy cũng êm”.

 

Diện tích Đông Xuân của ông Thạch Giàu, ở ấp 2, xã Phong Thạnh hứa hẹn cho vụ mùa bội thu

    Anh Thạch Dươne, Công chức Nông nghiệp xã Phong Thạnh cho biết thêm: “Để chủ động nước tưới tiêu phục vụ bà con sản xuất trong vụ Đông Xuân 2020-2021 thì Ủy ban xã cũng đề xuất đến Phòng Nông nghiệp tiến hành nạo vét 03 tuyến kênh khu vực thường xuyên bị thiếu nước, hiệu quả sau khi nạo vét xong thì tuyến kênh đến thời điểm này nước đảm bảo để phục vụ cho bà con trong sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021. Nhìn chung trà lúa đến thời điểm này đã trỗ cuối năng suất sẽ đảm bảo”.

     Không những các diện tích lúa Đông Xuân mà hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè còn có hàng ngàn hécta diện tích vườn cây ăn trái, hoa màu của bà con nông dân cũng đảm bảo được lượng nước ngọt để tưới tiêu và đang phát triển tốt. Anh Trần Quốc Dân, ở ấp 3, xã Phong Phú trong vụ màu năm nay anh đầu tư trồng 400 gốc đu đủ và trồng xen 1.800 cây ớt Sừng Châu Vàng trên diện tích 3.000m2, do đất nằm ở khu vực gò cao nên những năm trước đây thường bị thiếu nước vào mùa khô, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi được đầu tư hệ thống trạm bơm kết hợp với kênh bê tông nổi thì bài toán nan giải về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của anh cũng như bà con ở đây đã được tính. Cụ thể trong vụ sản xuất này vườn đu đủ và ớt của anh Dân đang phát triển tốt, cho trái say và đem về nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Anh Quốc dân chia sẻ: “Lượng nước ngọt năm nay rất là đầy đủ do hệ thống kênh rạch trong đây nạo vét rất thông thoáng. Khi nước mặn đến các cống đầu mối ở ngoài đóng lại dự trữ nước ở phía bên trong rất là nhiều cho nên chúng tôi đầy đủ nước tưới cho vườn cây ăn trái phát triển rất là tốt, năng suất được đảm bảo”.

 

Anh Trần Quốc Dân, ở ấp 3, xã Phong Phú vận hành Mouter tưới nước cho vườn của gia đình

     Hiện nay do tình hình nắng nóng kéo dài nên độ mặn ở các tuyến sông, kênh, rạch, đặc biệt là trên tuyến sông Hậu luôn có sự thay đổi, độ mặn có lúc vượt trên 5%o nên các cống đầu mối như Rạch Rum, ở xã Hòa Tân, cống Mỹ Văn, xã Ninh Thới, cống Bông Bót, cống Tân Dinh xã An Phú Tân đã được đóng lại để ngăn không cho nước mặn xâm nhập lấn sâu vào trong nội đồng. Khi độ măn giảm xuống đến mức cho phép thì các cống đầu mối được mở lấy nước ngọt đưa về các tuyến sông, kênh nhánh bên trong để trữ nước phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt cho bà con. Ông Hứa Thanh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp thủy nông huyện Cầu Kè nói: “Khi kiểm tra độ mặn trước cửa cống ngoài vàm dưới 1%o, đồng thời kết hợp với số liệu mặn cách cửa cống mình lấy nước khoảng 10km, nếu độ mặn thấp thì mình sẽ lấy nước chọn con nước đó để trự nước phục vụ sản xuất bên trong cho bà con”.

 

Bà con nông dân chủ động trục vớt lục bình để trữ nước ngọt cũng như khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh nội đồng

     Theo dự báo của ngành chức năng, thì mùa khô năm nay còn kéo dài và nước mặn sẽ còn tiếp tục diễn biến khó lường, nhất là trong thời điểm từ nay đến cuối tháng 4 âm lịch nên nguy cơ thiếu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là điều có thể xảy ra, nhất là các diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái ở những khu vực gò cao ở các xã như: Châu Điền, Phong Thạnh, Hòa Ân và Phong Phú. Nói về giải pháp chủ động phòng, chống khô hạn, mặn ở địa phương, ông Phạm Văn Kha, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: “Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn thiếu nước vào mùa khô thì về phía Phòng Nông nghiệp thì cũng có một số giải pháp để ứng phó. Thứ nhất là chủ động nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng, đặc biệt là ở những khu vực gò cao thiếu nước vào mùa khô. Thứ 2 là khuyến cáo bà con nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, né khô hạn, nước mặn xâm nhập. Thứ 3 là vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, thích nghi với từng vùng sinh thái. Thứ 4 là vận động người dân tự nạo vét các mươn vườn, trục với lục bình khơi thông dòng chảy để trữ nước ngọt. Thứ 5 là khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt phun sương trong sản xuất để tiết kiệm nước ngọt. Thứ 6 là khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình nước mặn để có biện pháp ngòng ngừa thiệt hại trong sản xuất của bà con”.

     Tin rằng, với những giải pháp của ngành nông nghiệp huyện Cầu Kè đề ra cộng với sự chủ động của các ngành chức năng của huyện có liên quan, các xã, thị trấn và người dân trong công tác ứng phó với hạn mặn sẽ góp phần đảm bảo an toàn trong sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra./.

                                                                

                                                                       Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 1 371
  • Tất cả: 4227870
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.