Tam Ngãi diện mạo nông thôn mới sau 46 năm xây dựng và phát triển
      Tam Ngãi là vùng đất giàu truyền thống cách mạng của huyện Cầu Kè, là quê hương của nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch), với câu nói bất hữu “Còn cái lai quần cũng đánh”. 

Lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn trong huyện Cầu Kè tham quan Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út, ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi

    Trãi qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, toàn xã Tam Ngãi có 04 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, 68 mẹ Việt Nam anh hùng, 410 liệt sĩ, 135 thương binh, bệnh binh và gần 370 gia đình có công với cách mạng. Với thành tích trong kháng chiến xã Tam Ngãi vinh dự được Nhà Nước phong tặng danh hiệu cao quí “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Bà Võ Thị Hồng Duyên, ở ấp Giồng Nổi là một cán bộ lão thành cách mạng bùi ngùi nhớ lại thời khắc của thời kì chiến tranh ở quê hương mình nói: “Năm 1971, 1972 ác liệt nhất, tới năm 1973 nó càng vô đốt, phá nhà phá cửa, gặp gì phá nấy, gặp heo bắt heo, gặp gà bắt gà, gặp dân cũng bắt thì mình cũng chống lại, nhiều người tập trung lại, đàn bà cũng vậy, tôi cũng cầm súng bắn chống lại kẻ thù. Khi địch vô xã Tam Ngãi nó càng phá dữ lắm, mình đánh nó quyết liệt, nó chịu không nổi bỏ chạy, xe ghép dưới này lên mình đánh quá nó hoảng hồn lên xe chạy rút về Cầu Kè, mặt bên kia thì nó bỏ chạy về huyện Trà Ôn”.

      Phát huy truyền thống anh hùng, sau 46 năm xây dựng và phát triển, đến nay xã Tam Ngãi đã trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá so với các địa phương khác trong huyện. Kết quả đó đã khẳng định quá trình phấn đấu bền bỉ, kiên cường, vượt qua bao khó khăn, không ngừng vững bước đi lên của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Tam Ngãi trong suốt 46 năm qua. Từ một xã có nền kinh tế xuất phát thấp, lại chịu nhiều tổn thất do chiến tranh để lại. Sau 46 năm chặng đường xây dựng và phát triển, nay xã Tam Ngãi đã bắt nhịp cùng với các địa phương trong huyện phát triển nhanh và bền vững. Trên lĩnh vực kinh tế, xã xác định thế mạnh của địa phương là sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn qua đó đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo từng vùng quy hoạch cụ thể, đến nay diện tích vườn cây ăn trái của xã gần 1.350 ha, trong này có 950 ha đang cho hiệu quả kinh tế, hàng năm cho sản lượng thu hoạch 22.750 tấn trái cây thương phẩm, đem về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích người dân phát triển mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, từ đó nhiều hộ dân đã mạnh dạn chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, nhờ vậy mà đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,19%, hộ cần nghèo còn 5,19% so với tổng số hộ dân toàn xã, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm và gần 100% hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh.

 

Mô hình chuyển đổi trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao của anh Trần Vũ Phong, ở ấp Bà My, xã Tam Ngãi

     Cùng với chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong những năm qua xã Tam Ngãi còn đặc biệt quan tâm đến việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đến nay, toàn xã có trên 40 km đường giao thông nông thôn được phối nhựa, đal bê tông nối liền các khu dân cư tạo điều kiện cho việc giao lưu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân được thuận tiện dễ dàng, đồng thời kết hợp trồng hoa kiểng dọc theo các tuyến lộ, hình thành được các tuyến đường hoa, từ đó tạo cho bộ mặt nông thôn của xã ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp. Bên cạnh đó, sự nghiệp y tế, giáo dục, thiết chế văn hoá cũng được đầu tư xây dựng mở rộng khang trang, từng bước phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đến nay xã có 03 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, 100% phòng học được xây dựng cơ bản đáp ứng tốt việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, có trên 94% hộ được công nhận gia đình văn hóa, nông thôn mới, 7/7 ấp được công nhận văn hóa, nông thôn mới. Lĩnh vực an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội luôn được giữ vững. Từ kết quả đó, đến nay xã Tam Ngãi được công nhận xã văn hóa, nông thôn mới. Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, bà Nguyễn Thị Thiên Lan, ở ấp Ngãi Nhì nói: “Qua 46 năm giải phóng đất nước thì tôi thấy bộ mặt xã Tam Ngãi phát triển rất là nhiều. Chính quyền địa phương ở đây góp công góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp, xây dựng được trường, trạm, đường xá khang trang, bà con làm ăn rất phát triển, hiện giờ xã cũng được công nhận xã nông thôn mới, bà con ở đây rất phấn khởi”.

 

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi

       Song song đó, công tác chăm lo các gia đình chính sách, có công với cách mạng luôn được xã quan tâm triển khai thực hiện tốt, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và vận động nhân dân đóng góp, đến nay xã đã xây dựng được trên 200 căn nhà tình nghĩa trao tặng cho gia đình chính sách cùng với các chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất, học tập, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được triển khai thực hiện đồng bộ, qua đó đã góp phần nâng cao mức sống cho các đối tượng chính sách ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, ấp Bưng Lớn B bộc bạch: “Qua 46 năm giải phóng thì thấy bộ mặt nông thôn xã Tam Ngãi rất là phát triển, Đảng, Nhà nước, Chính quyền đã quan tâm đến những người, gia đình có công với cách mạng, rồi tập trung phát triển nông thôn mới, đời sống người dân trong xã bây giờ thì có nhiều đổi mới”.

      Song song đó, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị luôn được củng cố kiện toàn theo hướng trong sạch vững mạnh. Đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII) “Về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó đã tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của xã nhà. Có thể khẳng định, sau nhiều năm phấn đấu và được sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã Tam Ngãi hôm nay đã thật sự chuyển mình phát triển nhanh và bền vững trên mọi lĩnh vực. Trao đổi với chúng tôi về công tác chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngãi cho biết: “Trong thời gian tới thì xã tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển cây trồng chủ lực, phát triển theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Về lĩnh vực văn hóa, xã hội thì chúng tôi sẽ quan tâm chăm sóc tốt gia đình chính sách, những người có công với cách mạng, bên cạnh đó thì chúng tôi cũng vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để hỗ trợ kinh phí xây dựng những căn nhà cho những hộ khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân. Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới thì chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng chúng tôi vận động người dân hiến đất, cây, hoa màu để xây dựng những cây cầu, các tuyến đường giao thông, song song với việc phát triển các tuyến đường thì chúng tôi phát triển các loại bông hoa dọc theo các tuyến đường, góp phần tạo cho bộ mặt của xã ngày càng khang trang và sáng-xanh-sạch-đẹp, phấn đấu đến cuối năm 2021 xã Tam Ngãi sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao”.

       Tam Ngãi hôm nay đã thật sự chuyển mình phát triển đi lên mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân đã có nhiều chuyển biến khởi sắc. Tin rằng với những thành tựu đạt được sau 46 năm xây dựng và phát triển sẽ là động lực, nền tảng vững chắc giúp Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong xã tự tin, vững bước hướng tới mục tiêu phát triển trong lương lai, đặc biệt là phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021 theo lộ trình kế hoạch đã đề ra./.                                       

                                    

                                                                               Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 2 697
  • Tất cả: 4226824
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.