Những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở huyện Cầu Kè

Trong những năm qua, Ban đại diện Hội người cao tuổi các cấp trong huyện Cầu Kè đã tích cực đẩy mạnh phong trào "Tuổi cao - Gương sáng" gắn với phong trào "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi" đã thu hút nhiều hội viên người cao tuổi tham gia, qua đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình hội viên làm kinh tế giỏi, cho thu nhập kinh tế cao, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, là tấm gương cho con cháu noi theo.

 

Mô hình trồng dừa xen chanh của bà Trần Thị Lan (người bên trái)

      Bà Trần Thị Lan, ở ấp 3, xã Phong Thạnh là một trong những hội viên người cao tuổi trên địa bàn huyện Cầu Kè có thu nhập kinh tế khá cao nhờ biết kết hợp trong sản xuất. Qua tìm hiểu bà Lan cho biết: Trước đây khi lập gia đình 02 vợ chồng không có vốn, đất đai để sản xuất, chủ yếu đi làm thuê để kiếm thu nhập lo cuộc sống gia đình, từ sự khó khăn, vất vả đó gia đình bà luôn dốc hết sức mình phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo. Năm 1983 vợ chồng bà thuê 04 công đất để canh tác lúa kết hợp đi làm thuê và chăn nuôi vịt thịt để tăng thêm thu nhập cho gia đình, đến năm 1984 gia đình đã tích lũy mua được 06 công đất để sản xuất lúa, từ đó kinh tế gia đình cũng dần ổn định. Qua thời gian miệt mài lao động chăm chỉ làm việc của gia đình, đến nay bà Lan đã mua được 12ha diện tích đất, trong này 9ha gia đình sử dụng sản xuất lúa và 3ha gia đình trồng dừa xen chanh, hiện tại đã có 01ha diện tích vườn dừa đã cho thu hoạch khá ổn định, bình quân 01 tháng cho thu hoạch một đợt trên 100 chục dừa (mỗi chục 12 trái) đã đem lại nguồn thu nhập kinh tế cho gia đình trên 07 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong sản xuất lúa gia đình luôn sử dụng giống có chất lượng cao và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất đã mang lại hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm, bình quân thu hoạch trên dưới 10 tấn/ha/vụ đã đem lại nguồn thu nhập kinh tế đáng kể cho gia đình.

 

Mô hình nuôi bò sinh sản của bà Trần Thị Lan

      Ngoài ra, tận dụng rơm sau khi thu hoạch lúa bà Lan còn dự trữ làm nguồn thức ăn để chăn nuôi bò nái sinh sản, hiện tổng đàn bò của gia đình là 13 con. Tổng thu nhập từ sản xuất lúa, dừa và nuôi bò sinh sản của gia đình bình quân hàng năm trên 01 tỷ đồng. Nhờ có tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, nên giờ đây khi bước sang tuổi 61 bà Lan đã cuộc sống gia đình khá sun túc. Bà Lan nói: “Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, 02 vợ chồng cố gắng làm ăn đã tích lũy mua được 01 công, 02 công thì đến nay gia đình cũng đã mua được 120 công, gia đình sử dụng 30 công đất để lên vườn trồng dừa xen chanh và còn 90 công làm ruộng, bây giờ kinh tế gia đình đã ổn định”.

 

Cửa hàng bán vật liệu xây dựng và thức ăn chăn nuôi của hội viên Nguyễn Thị Kim Cương, ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi (người đeo mắt kính)

     Còn đối với Bà Nguyễn Thị Kim Cương, ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi mặc dù năm nay đã 67 tuổi nhưng bà là một trong những hội viên người cao tuổi đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp huyện giai đoạn 2017-2023. Bà Cương cho biết: Trước đây khi mới lập gia đình 02 vợ chồng sống chủ yếu làm ruộng, với diện tích 05 công đất kết hợp buôn bán rau tại chợ Tam Ngãi. Đến năm 2000, gia đình mở đại lý bán vật tư nông nghiệp tại địa phương và được bà con đến ủng hộ, từ đó đem lại nguồn thu nhập kinh tế kha khá cho gia đình, không chỉ dừng lại ở đây gia đình còn tiếp tục đầu tư mở thêm cửa hàng bán vật liệu xây dựng và thức ăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng thu nhập của gia đình mỗi năm đạt trên 1,1 tỷ đồng. Bà Cương chia sẻ: “Hồi lập gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu làm ruộng, làm rẫy rồi buôn bán nhỏ, sau thời gian có vốn mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, rồi vật tư xây dựng thấy cũng đỡ, từ đó kinh tế gia đình phát triển và có điều kiện lo cho con cái ăn học, bây giờ các con đều có nghề nghiệp ổn định”.

     Theo Ban Đại diện Hội người cao tuổi huyện Cầu Kè cho biết: Đến nay toàn huyện có hơn 17.700 hội viên người cao tuổi, trong đó có trên 7.000 hội viên còn sức khỏe tham gia lao động sản xuất, qua bình xét trong giai đoạn 2018-2023 có 415 hội viên người cao tuổi có điều kiện phát triển kinh tế, qua xét chọn được 95 hộ hội viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi các cấp, trong đó có 27 hội viên làm kinh tế giỏi đạt cấp huyện, với mức thu nhập hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên và còn lại đạt cấp cơ sở đạt từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Để tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” trên địa bàn huyện trong thời gian tới, bà Kiên Thị Chữ, Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi huyện Cầu Kè cho biết một số giải pháp như sau: “Hướng tới Ban đại diện Hội người cao tuổi huyện sẽ triển khai thực hiện phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi của 03 cấp, cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh, hàng năm lòng ghép kế hoạch của năm để tổ chức triển khai sâu rộng trong người cao tuổi làm kinh tế và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành có liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người cao tuổi áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế; phối hợp với các ngành Ngân hàng và Tín dụng để làm sao tạo điều kiện cho người cao tuổi được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình cũng như trong kinh doanh. Chỉ đạo Hội cơ sở thường xuyên, kiểm tra rồi uốn nắng phát huy kịp thời những người cao tuổi làm kinh tế giỏi để khen thưởng, sơ tổng kết kịp thời để đưa phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi đạt kết quả tốt hơn”.

     Có thể nói phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở huyện Cầu Kè thời gian qua đã phát huy được tinh thần, ý chí của người cao tuổi trong phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, có thể khẳng định được vai trò và vị thế của các cụ trong đời sống xã hội với tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, “cây cao bóng cả” trong gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của huyện./.

 

                                                                Bài, ảnh: Thân Ni

Bản đồ hành chính

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 2082
  • Trong tuần: 33,459
  • Tất cả: 3,862,764