Cầu Kè chuyển biến qua một nhiệm kì Đại hội

    Cầu Kè là một huyện có địa hình nằm ven sông Hậu và được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, cây màu, vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Trong 05 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kì 2015-2020, mặc dù phải đối mặt với tình hình khó khăn chung do dịch bệnh, thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng với quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ tích cực của các sở, ban ngành tỉnh, cùng với sự  nỗ lực quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Đảng bộ huyện đã chủ động đề ra các giải pháp mang tính đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện  lần thứ XI đã đề ra, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững Quốc phòng- an ninh, tạo cho diện mạo bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện nhà ngày càng phát triển khởi sắc.

 

Đường vào trung tâm huyện

      Thành tựu nổi bật mà huyện Cầu Kè đạt được trong nhiệm kì qua là tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; có  21/21 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 13,38%/năm, đạt 102,92% so Nghị quyết, tăng 1,8 lần so năm 2015. Trong đó: giá trị nông nghiệp tăng bình quân trong 5 năm là 5,97%; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng 18,36%; xây dựng tăng 19,56%; thương mại - dịch vụ tăng 21,82%. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên 10.200 tỷ đồng, đạt 106,46% so Nghị quyết và tăng 1,8 lần so nhiệm kỳ trước. Xác định nông nghiệp là thế mạnh, trong 05 năm qua huyện Cầu Kè đã tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và phát triển bền vững, chú trọng thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch. Ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật, mở rộng liên kết sản xuất, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, chỉ đạo xây dựng mỗi xã, thị trấn một sản phẩm chủ lực, đăng kí sản phẩm OCOP, đồng thời các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được phổ biến. Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hình thức thâm canh, bán thâm canh, góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp hơn 5.400 tỷ đồng, đạt trên 100% so nghị quyết. Ông Tu Long Cáo, ở xã Phong Phú nói: “Trong nhiệm kì qua được sự quan tâm của HU, Ủy ban huyện tạo điều kiện cho nông dân chúng tôi liên kết được với các doanh nghiệp, sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng phân bón thông minh và tạo kênh nổi cho nông dân chúng tôi phục vụ trong sản xuất giảm được chi phí, đời sống của nhân dân chúng tôi được nâng lên khắc phục được khó khăn”.

 

Bà con nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa giảm lượng giống gieo sạ ở xã Phong Phú

     Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được khuyến khích đầu tư phát triển mở rộng cả quy mô và tốc độ tăng trưởng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động trên địa bàn huyện. Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện và vận động xã hội hóa gần 1.100 tỷ đồng, huyện đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng trên 300 công trình phúc lợi xã hội, trong này có các công trình trọng điểm như: Cống Bông Bót, cống Tân Dinh, đường trục giữa cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, nâng cấp các hương lộ, xây dựng mới nhiều tuyến giao thông huyết mạch, xây dựng Quãng trường, Hồ bơi, trụ sở Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao, các công trình kiết thiết Trung tâm huyện, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội và các nhu cầu của người dân. Ông Trần Quốc Thắng, ở xã An Phú Tân nói: “Nhiệm kì vừa qua dưới sự lãnh đạo của HU và UBND huyện Cầu Kè về mặt cơ sở hạ tầng thì có nổi bậc mấy cái được nhân dân tín nhiệm và mừng đó là 2 cống Bông Bót và Tân Dinh ngăn mặn trữ ngọt để bà con an tâm sản xuất khi mà khí hậu biến đổi. Thứ 2 nữa là mở được tuyến đường nhựa của 2 Tân Qui được láng nhựa làm cho giao thông rất dễ dàng, bà con mua bán cũng như học sinh đi học dễ dàng, hơn nữa du lịch sinh thái tới đây sẽ sung túc hơn”.

 

Cống Bông Bót, xã An Phú Tân góp phần ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân

      Về hệ thống điện hoàn thành Dự án kéo điện qua Cù lao An Lộc, xã Hòa Tân và khắc phục tình trạng sử dụng điện theo hình thức câu đuôi cho 1.035 hộ nghèo, cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện của huyện chiếm 99,96%. Cùng với đó, hệ thống nước sạch nông thôn cũng được đầu tư xây dựng mở rộng đến các khu dân cư đảm bảo cung cấp cho 98% hộ dân sử dụng nước sạch. Ông Nguyễn Văn Đời một người dân ở cù lao ấp An Lộc, xã Hòa Tân phấn khởi nói: “Nào giờ không có điện bây giờ có điện dân chúng tôi rất mừng, rất thoải mái, tivi, vô tuyến gì coi cũng được, cũng dễ, rồi cây trái vườn gắn moter tưới được cũng khỏe, tôi rất mừng”.

       Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quy mô trường lớp không ngừng mở rộng, có 100% phòng học được xây dựng cơ bản, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, có 12/47 trường đạt chuẩn Quốc gia. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, có 10/10 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế. Về công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo luôn được huyện quan tâm chỉ đạo sâu sát và đạt nhiều kết quả quan trọng, thông qua các nguồn vốn đầu tư từ các Dự án, vốn tín dụng của các tổ chức Ngân hàng và vận động giúp nhau của các tổ chức đoàn thể đã tạo điều kiện giúp cho hàng ngàn hộ có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện từ 9,29% năm 2015 xuống còn 1,59% năm 2020, đưa thu nhập bình quân đầu người từ 31,27 triệu đồng/người/năm tăng lên 59,35 triệu đồng/người/năm, năm 2020. Ông Trương Quang Danh, ở xã Thông Hòa chia sẻ: “Đời sống của bà con trước đây có gặp nhiều khó khăn nhưng mà hiện nay phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con phát triển rất nhanh, đạt được nhiều mô hình hiệu quả rất tốt. Huyện Cầu Kè hiện nay được công nhận huyện nông thôn mới thì bản thân tôi và bà con nông dân thấy hết sức phấn khởi”.

 

Lãnh đạo TU, UBND tỉnh Trà Vinh trao bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo HU, UBND huyện Cầu Kè

      Bên cạnh đó, về công tác chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công cách mạng, người nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể quan tâm, trong 05 năm qua đã xây dựng, sữa chữa và bàn giao  hơn 1.050 căn nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, xây dựng trên 330 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Nhà nước và nguồn vận động xã hội hóa. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đến nay toàn huyện có 27.918/31.280 hộ được công nhận hộ văn hóa, nông thôn mới, 53/61 ấp, 10/10 xã được công nhân văn hóa, nông thôn mới. Đặc biệt một thành tựu mang tính vượt trội của huyện là đến cuối năm 2019 huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đây là thành tựu thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Ông Nguyễn Quốc Phục, nguyên Bí thư HU Cầu Kè nhận xét: “Huyện Cầu Kè đổi mới so với trước đây, cán bộ phân công chỉ đạo xã, ấp cũng tiến bộ hơn trước đây, hộ đói nghèo cũng giảm. Cho nên từ Cầu Kè phát triển tốt như vậy đường đi, trường học, dân làm ăn khá cho nên được ở trên công nhận huyện nông thôn mới so với một số huyện trong tỉnh thì có tiến bộ hơn”.

     Ngoài ra về hoạt động du lịch, nhất là du lịch sinh thái gắn với lễ hội truyền thống luôn được huyện quan tâm khuyến khích đầu tư phát triển, hàng năm đã thu hút trên 30.000 lượt khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan thưởng ngoạn và được thưởng thức các vị ngọt của các loại trái cây đặc sản miệt vườn của huyện. Công tác quốc phòng- an ninh không ngừng được tăng cường, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở hoạt động ngày càng có hiệu quả, các cấp ủy thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tổ chức quán triệt và thực hiện tốt các Kết luận, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng,… xây dựng tình đồng chí, giúp nhau cùng tiến bộ. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Từ đó tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng và nhân dân trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Kè lần thứ XI, nhiệm kì 2015-2020 đề ra. Nói về công tác lãnh chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, nhiệm kì 2015-2020 đã đề ra, Ông Nguyễn Thế Ngoan, Bí thư HU Cầu Kè cho biết: "Ban chấp hành Đảng bộ xác định xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh trên tất cả 3 mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức, từ đó chúng tôi tập trung củng cố, kiện toàn lại tổ chức từ huyện đến cơ sở, đặc biệt trong nhiệm kì qua đã tập trung thực hiện tốt công tác qui hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là phát huy dân chủ trong tập thể chỉ đạo. Vấn đề thứ 2 là chúng tôi cũng xác định kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng và có tính cốt lõi nhất để tập trung chỉ đạo của Đảng bộ, do đó mà trong nhiệm kì qua đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng, chúng tôi xác định xây dựng nông nghiệp trở thành mặt trận chủ lực của huyện gắn với phát triển du lịch sinh thái đây là nhiệm vụ trọng tâm. Kết quả qua 5 năm thực hiện có thể nói đây là một trong những vấn đề đột phá có tính nổi bậc nhất, chúng tôi đã tập trung qui hoạch, khoanh vùng lại vùng sản xuất trong nông nghiệp, trong đó chú trọng đến vấn đề sản xuất theo hàng hóa thị trường, vấn đề thứ 2 thì chúng tôi tập trung xây dựng những sản phẩm chủ lực của địa phương, phải đảm bảo làm sao nâng cao được chất lượng”.

 

Lãnh đạo HU Cầu Kè nhận bằng khen của Tỉnh ủy Trà Vinh công nhận Đảng bộ “Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu” năm 2019

      Để phát huy những thành tựu đạt được trong nhiệm kì qua, tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ mới 2020- 2025, với tinh thần đoàn kết, tính năng động, sáng tạo, nhạy bén và tư duy đổi mới cùng với quyết tâm chính trị, Đảng bộ huyện Cầu Kè sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp mang tính khả thi nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của huyện, sớm xây dựng huyện Cầu Kè ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh, hiện đại và hướng tới xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới./.

 

                                                                           Bài, ảnh: Trương Thi

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 76
  • Trong tuần: 2 483
  • Tất cả: 4227256
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.