Cầu Kè diễn ra Lễ hội Vu Lan Thắng Hội năm 2022

        Theo thông lệ hằng năm từ ngày 25 đến ngày 28/7 âm lịch, tại điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung, ở Khóm I, thị trấn Cầu Kè diễn ra lễ Vu Lan thắng hội hay còn gọi là lễ hội cúng ông Bổn của đồng bào người Hoa. Đây là một lễ hội tín ngưỡng dân gian người Hoa có từ lâu đời mang đậm nét đẹp truyền thống văn hoá của cả cộng đồng dân tộc Kinh-Khmer-Hoa trên địa bàn huyện Cầu Kè.

 

Quang cảnh nghi lễ thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng

        Hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè có 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa tổ chức lễ hội cúng ông Bổn như: Vạn Ứng Phong Cung, Minh Đức Cung, Thiên Đức Cung, ở xã Hòa Ân; Niên Phong Cung, Vạn Đức Phong Cung, ở xã Tam Ngãi và điểm Vạn Niên Phong Cung, ở khóm I, thị trấn Cầu Kè. Trong này điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung được cộng đồng người Hoa tổ chức lễ hội với qui mô lớn hơn so với các điểm tín ngưỡng khác. Sau 02 năm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay lễ Vu Lan Thắng Hội của đồng bào Hoa trên địa bàn huyện được tổ chức có phần long trọng hơn, trong 4 ngày diễn ra lễ hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động nghi lễ mang đậm nét đặc trưng văn hoá truyền thống của cộng đồng người Hoa như: thỉnh kinh, thỉnh phật, khai kinh, cầu an đồng bào chí sĩ tử vong, mỗi nghi lễ đều có một mục đích, ý nghĩa riêng của nó nhưng chung qui là cầu cho Quốc thái dân an, nhà nhà, người người ăn nên làm ra, gia đình ấm no hạnh phúc. Đây là lễ hội mang đậm nét tâm linh nên hàng năm thu hút một lượng du khách đến tham dự lễ hội rất đông, nhiều nhất là du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An…..

 

Quang cảnh người dân đến mua sắm tại Hội chợ

       Cũng nhân dịp lễ hội này, từ ngày 21-25/8, UBND huyện Cầu Kè còn kết hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức Tuần Lễ hội Vu Lan Thắng Hội gắn với Hội chợ Thương mại, Ẩm thực, Trái cây ngon và Kết nối du lịch năm 2022. Tuần lễ hội được diễn ra tại Trung tâm Văn hóa của huyện và được tổ chức theo chuỗi sự kiện các hoạt động bao gồm: Hội chợ Thương mại-Nông nghiệp được bố trí trên 80 gian hàng bày bán các sản phẩm mặc hàng may mặc, dày dép, mỹ phẩm, đồ gỗ, hàng gia dụng, giống các loại cây trồng; Phiên chợ trái ngon Cầu Kè trưng bày, giới thiệu sản phẩm các loại trái ngon của huyện; không gian ẩm thực giới thiệu những nón ngon của địa phương. Bên cạnh đó, Lễ hội Vu Lan Thắng Hội gắn với Hội chợ Thương mại, Ẩm thực, Trái cây ngon và Kết nối du lịch huyện Cầu Kè năm 2022 còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; Tổ chức tọa đàm kết nối, phát triển du lịch ở huyện Cầu Kè, đây là dịp để giới thiệu, quảng bá các loại trái cây ngon, trái cây quí, những sản phẩm chủ lực đặc trưng của huyện Cầu Kè đến với du khách thập phương. Ngoài ra, dịp này còn tiến hành khảo sát lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa Lễ Vu Lan Thắng Hội vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Song song đó, để đảm bảo cho du khách đến tham quan lễ hội được an toàn thì ngành chức năng huyện cũng đã tăng cường công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, sắp xếp nơi mua bán, niêm yết giá cả phương tiện đưa rước khách, giá cả các chủng loại trái cây, hàng hoá và dịch vụ không để tình trạng tăng giá đột biến, đồng thời phân luồng và bến đổ của các đoàn xe khách, không để ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho khách đến tham quan lễ hội được thuận lợi và an toàn. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong dịp Lễ Vu Lan Thắng Hội năm nay lượng khách đến tham quan trên dưới khoảng 13.500 lượt khách, ít hơn rất nhiều so với những năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19, do hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đã xuất hiện trở lại, nhiều người lo ngại tập trung đông sẽ lây nhiễm bệnh nên hạn chế đến tham dự lễ hội năm nay.

  

Lực lượng Công an phân luồng đảm bảo giao thông thông suốt trong những ngày diễn ra lễ hội

      Có thể nói Vu Lan thắng hội, đây là một lễ hội tín ngưỡng dân gian người Hoa có từ lâu đời mang đậm nét đẹp bản sắc truyền thống văn hoá của cả cộng đồng dân tộc Kinh- Khmer-Hoa trên địa bàn huyện Cầu Kè và cũng được tỉnh Trà Vinh công nhận là lễ hội văn hóa dân gian tâm linh cấp tỉnh. Đặc biệt, điểm tín ngưỡng Minh Đức Cung, ở xã Hòa Ân là một trong 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật Minh Đức Cung. Đây là ngôi chùa cổ kính được xây dựng cách đây hơn 200 năm, với lối kiến trúc độc đáo “nội công ngoại quốc” và hiện ngôi chùa này còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Hoa. Bên cạnh đó, Cầu Kè là một trong số ít địa phương còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích cổ, di tích lịch sử văn hóa cách mạng đặc trưng cho truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng như: di tích lịch sử cách mạng chùa Ô Mịch, chùa Tà Ốt, ở xã Châu Điền; Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ, Khu Tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch), ở xã Tam Ngãi, Miếu Bà Chúa Xứ Tân Qui, xã An Phú Tân hay di tích lịch sử nhà cổ Cầu Kè ở thị trấn Cầu Kè… đây là tiềm năng lợi thế mà huyện Cầu Kè đã và đang có chủ trương, kế hoạch mời gọi xúc tiến đầu tư để khai thác phát triển du lịch ở địa phương trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát./.

                                                                                       Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 32
  • Hôm nay: 1578
  • Trong tuần: 25 325
  • Tất cả: 4200722
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.