Định hướng phát triển
1. Nông nghiệp.
      Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trồng trọt là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng sản lượng, giá trị và hiệu quả đáp ứng nhu cầu của thị trường; đa dạng hoá cây trồng trên nền tản sử dụng tối đa đất và nước. Tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; chú trọng những vật nuôi có giá trị cao như: bò, heo và gia cầm. Xây dựng ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế hàng hoá đáp ứng nhu cầu trong, ngoài huyện và xuất khẩu với chất lượng cao.

2. Thuỷ sản
      Xây dựng ngành thuỷ sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản gắn với nông nghiệp. Chú trọng những loài có giá trị kinh tế, nhu cầu thị trường cao và có khả năng xuất khẩu. Khai thác tối đa lợi thế của huyện, đặc biệt là điều kiện sông ngòi dày đặc, nguồn nước ngọt phong phú.

3. Phát triển công nghiệp.
      Phát triển công nghiệp hướng vào các ngành khai thác được lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu và nguồn lao động ở địa phương; tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh, có thị trường lớn trong và ngoài nước; tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp và nông thôn.

      Phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu:
      + Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm: Nguồn nguyên liệu cho chế biến lương thực, thực phẩm là thế mạnh của huyện. Do vậy, phát triển ngành công nghiệp này có nhiều thuận lợi, công nghiệp chế biến thực phẩm sẽ phát triển theo hướng không ngừng nâng cao trình độ công nghệ, nhất là công nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất...

      + Phát triển công nghiệp nông thôn trên cơ sở tiếp tục khôi phục các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; xây dựng khu công nghiệp Vàm Bến Cát, khóm 8-TT Cầu Kè, nhằm thực hiện chủ trương đưa công nghiệp về nông thôn và phát triển công nghiệp nông thôn.

      + Trong tương lai gần, ngành công nghiệp may mặc và giầy da, hàng mã xuất khẩu sẽ phát triển ở Cầu Kè. Do nơi đây có nguồn lao động dồi dào và không đòi hỏi đào tạo tốn kém, suất đầu tư thấp so với các ngành khác, công nghệ không cao, nhu cầu thị trường rất lớn, kể cả xuất khẩu.

4. Phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội.
      Giáo dục - Ðào tạo: Phấn đấu thực hiện một bước chuyển về chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp học; tăng cường đầu tư xây dựng trường lớp theo chuẩn giáo dục, trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy và học; củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2007.

      Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân: Ðẩy mạnh công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, trước hết là làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, phòng chống có hiệu quả các bệnh xã hội. Ðầu tư nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh các Trạm Y tế và Phòng khám đa khoa khu vực; nâng cấp bệnh viện huyện Cầu Kè. Ðồng thời từng bước trang thiết bị các máy móc, dụng cụ hiện đại phục vụ khám và điều trị, trước hết tập trung cho bệnh viện huyện.

      Văn hoá, thể thao: Hoạt động văn hoá, thể thao phát triển theo hướng gắn với đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đồng thời tham gia đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, phát triển sâu rộng phong trào văn hoá trong cộng đồng dân cư. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", làm cho văn hoá thấm sâu vào từng cộng đồng, từng gia đình và từng người dân. Bên cạnh đó, phát động phong trào thể dục toàn dân và thể thao thường xuyên rộng khắp.

      Việc làm và đời sống: Phấn đấu giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo mọi người lao động có nhu cầu lao động đều có việc làm, phân bổ lại lao động giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp. Phấn đấu tăng nhanh mức sống dân cư, nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện; thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với người có công với nước, gia đình thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng và các đối tượng có nhiều khó khăn.

5. Phát triển cơ sở hạ tầng.
      Giao thông: Theo chủ trương chung của tỉnh sẽ nâng cấp, xây mới mạng lưới giao thông, đảm bảo quốc lộ rải nhựa đạt tiêu chuẩn đường cấp I, II, tỉnh lộ đạt cấp II, III; xây dựng hoàn thành các đường đến trung tâm các xã.

      Cấp điện: Ðảm bảo cung cấp điện sản xuất và sinh hoạt. Nguồn cung cấp điện cho huyện từ điện lưới quốc gia. Xây dựng đường điện trung thế, đường điện 3 pha cho sản xuất, cải tạo và xây dựng lưới điện hạ thế cho các khu vực dân cư trong toàn huyện.

      Cấp nước: Cấp nước cho nông thôn theo hướng xây dựng các Trạm xử lý nước ngầm có qui mô khoảng 5 m3/giờ, cung cấp đủ cho 800 nhân khẩu sử dụng trong các khu dân cư tập trung.

6. Phát triển nông thôn.
      Trên địa bàn nông thôn, ngoài phát triển nông nghiệp, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, cung cấp lương thực, thực phẩm cho huyện, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, sẽ phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, điện nước,... hình thành mạng lưới dịch vụ, thông tin, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn; thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, thuê mướn lao động để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp nông thôn.
Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 1 226
  • Tất cả: 4228406
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.