Theo thông lệ hằng năm, từ ngày 25 đến ngày 28/7 âm lịch, tại điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung, ở Khóm I, thị trấn Cầu Kè sẽ diễn ra Lễ hội Vu lan Thắng hội hay còn gọi là lễ hội cúng ông Bổn của đồng bào người Hoa. Đây là một lễ hội tín ngưỡng dân gian người Hoa có từ lâu đời mang đậm nét đẹp truyền thống văn hoá của cả cộng đồng dân tộc Kinh-Khmer-Hoa trên địa bàn huyện Cầu Kè.
Rất đông du khách đến tham quan Lễ hội cúng ông Bổn ở huyện Cầu Kè
Hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè có 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa tổ chức lễ hội cúng ông Bổn như: Vạn Ứng Phong Cung, Minh Đức Cung, Thiên Đức Cung, ở xã Hòa Ân; Niên Phong Cung, Vạn Đức Phong Cung, ở xã Tam Ngãi và điểm Vạn Niên Phong Cung, ở khóm I, thị trấn Cầu Kè. Trong này điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung được cộng đồng người Hoa tổ chức lễ hội với qui mô lớn hơn so với các điểm tín ngưỡng khác. Cũng như mọi năm, năm nay Lễ hội Vu lan Thắng hội của đồng bào Hoa trên địa bàn huyện vẫn được tổ chức long trọng, trong 4 ngày diễn ra lễ hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động nghi lễ mang đậm nét đặc trưng văn hoá truyền thống của cộng đồng người Hoa như: thỉnh kinh, thỉnh phật, khai kinh, cầu an đồng bào chí sĩ tử vong, mỗi nghi lễ đều có một mục đích, ý nghĩa riêng của nó nhưng chung qui là cầu cho Quốc thái dân an, nhà nhà, người người ăn nên làm ra, gia đình ấm no hạnh phúc. Đây là lễ hội mang đậm nét tâm linh nên hàng năm thu hút một lượng du khách đến tham dự lễ hội rất đông, nhiều nhất là du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An…..
.jpg)
Người dân đến mua sắm tại Hội chợ thương mại
Cũng nhân dịp Lễ hội này, từ ngày 08-12/9/2023 (tức từ ngày 24-28/7 âm lịch), UBND huyện Cầu Kè kết hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức Tuần Lễ hội Vu lan Thắng hội gắn với Hội chợ thương mại, ẩm thực, trái cây ngon và xúc tiến du lịch năm 2023. Tuần Lễ hội được diễn ra tại Trung tâm Văn hóa của huyện và được tổ chức theo chuỗi sự kiện các hoạt động bao gồm: Hội chợ Thương mại-Nông nghiệp, với qui mô 120 gian hàng bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thương mại tổng hợp, giống các loại cây trồng; Phiên chợ “Trái cây ngon Cầu Kè”, với quy mô 13 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản trái cây và các mặt hàng sản phẩm OCOP của huyện; Không gian ẩm thực địa phương có 15 đơn vị tham gia giới thiệu những món ăn dân gian, truyền thống của các dân tộc trong và ngoài huyện.
.jpg)
Du khách mua đặc sản trái cây tại Phên chợ “Trái ngon Cầu Kè”
Bên cạnh đó, còn tổ chức các hoạt động lễ hội tại điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung, ở khóm 1, thị trấn Cầu Kè; tổ chức giao lưu không gian đờn ca tài tử; phục vụ xe thư viện lưu động đa phương tiện; tổ chức các trò chơi dân gian. Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức khảo sát và Tọa đàm giới thiệu kết nối tuyến, điểm du lịch huyện Cầu Kè với các chuyên gia về du lịch và các công ty, doanh nghiệp lữ hành. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá các loại trái cây ngon, trái cây quí, những sản phẩm chủ lực đặc trưng của huyện Cầu Kè đến với du khách thập phương.
.jpg)
.jpg)
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Cầu Kè phân luồng giao thông các phương tiện đến tham dự Lễ hội
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho du khách đến tham quan Lễ hội được an toàn thì ngành chức năng huyện cũng đã tăng cường công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, sắp xếp nơi mua bán, niêm yết giá cả phương tiện đưa rước khách, giá cả các chủng loại trái cây, hàng hoá và dịch vụ không để tình trạng tăng giá đột biến, đồng thời phân luồng và bến đổ của các đoàn xe khách, không để ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho khách đến tham quan lễ hội được thuận lợi và an toàn. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong dịp Lễ Vu lan Thắng hội năm nay lượng khách đến tham quan trên dưới khoảng 10.000 lượt khách, ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
.jpg)
Nghi thức Thỉnh kinh một phần trong các nghi lễ cúng ông Bổn của cộng đồng người Hoa ở huyện Cầu Kè
Vu Lan Thắng hội, là một lễ hội tín ngưỡng dân gian người Hoa đã hình thành cách trên 100 năm, mang đậm nét đẹp bản sắc truyền thống văn hoá của cả cộng đồng dân tộc Kinh- Khmer-Hoa cộng cư sống trên địa bàn huyện Cầu Kè và cũng được tỉnh Trà Vinh công nhận là lễ hội văn hóa dân gian tâm linh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy Lễ hội Vu lan Thắng hội cũng như hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học Lễ hội Vu lan Thắng hội (hay còn gọi là lễ hội chùa ông Bổn) của đồng bào người Hoa, ở huyện Cầu Kè, Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các đơn vị ngành tỉnh, huyện có liên quan và các nghệ nhân, thành viên Bản quản trị các điểm tín ngưỡng của người Hoa để tiến hành khảo sát điền dã, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, phục dựng những hoạt động nghi lễ, nghi thức tổ chức lễ có liên quan đến Lễ hội Vu lan Thắng hội của đồng bào người Hoa để biên soạn lý lịch di sản và đến nay đã hoàn chỉnh hồ sơ khoa học, đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Với việc lập hồ sơ khoa học Lễ hội Vu lan Thắng hội của đồng bào người Hoa, ở huyện Cầu Kè để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay, nhằm bảo tồn và phát huy loại hình tín ngưỡng văn hóa dân gian độc đáo này, qua đó cũng góp phần vào việc giáo dục truyền thống các giá trị văn hóa nhân văn, làm chuyển biến về nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, điểm tín ngưỡng Minh Đức Cung, ở xã Hòa Ân là một trong 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật Minh Đức Cung. Đây là ngôi chùa cổ kính được xây dựng cách đây hơn 200 năm, với lối kiến trúc độc đáo “nội công ngoại quốc” và hiện ngôi chùa này còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Hoa./.
Bài, ảnh: Tấn Lập