Cầu Kè – Tiềm năng phát triển Du lịch

Huyện Cầu Kè nằm về phía Tây của tỉnh Trà Vinh, thuộc tả ngạn sông Hậu. Phía Đông giáp huyện Càng Long, huyện Tiểu Cần, Phía Tây và Nam giáp sông Hậu, Phía Bắc giáp huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Toàn huyện có 10 xã, 01 thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên là 24.662 ha. Trung tâm huyện lỵ nằm cách trung tâm Thành Phố Trà Vinh 40 km theo quốc lộ 54 và 60. Nhìn chung, huyện Cầu Kè có vị trí khá thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện đã được đầu tư nâng cấp. Nhiều dự án hạ tầng du lịch đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng như: Quốc lộ 54, tuyến đường tỉnh lộ 915, các tuyến Hương lộ và đường vào trung tâm xã đã được đầu tư cơ bản; các tuyến đường bộ phục vụ khai thác tiềm năng du lịch sinh thái cồn Tân Qui như đường từ trung tâm thị trấn Cầu Kè đến khu du lịch sinh thái cồn Tân Qui, nâng cấp các cầu trên hương lộ 32, cống Bông Bót, cống Tân Dinh, đường trục giữa cồn Tân Qui, … được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2016-2020 của Trung ương và địa phương. Riêng cồn Tân Qui đã được đầu tư xây dựng 25 km đường bê tông; 1 trạm cấp nước sạch; 1 trạm biến áp và trụ điện vượt sông.

Cầu Kè là huyện có nhiều tiềm năng tài nguyên để phát triển Du lịch

Đó là tiềm năng về du lịch tâm linh

Mỗi năm cứ vào các ngày từ 25 đến 28 tháng 7 âm lịch, tại điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung, ở Khóm I, thị trấn Cầu Kè diễn ra lễ Vu Lan Thắng Hội hay còn gọi là lễ hội cúng ông Bổn của đồng bào người Hoa. Trong những ngày diễn ra lễ hội được tổ chức nhiều nghi lễ được tiến hành trang trọng và độc đáo như: Lễ rước phật, thần ở các đình, chùa lân cận về điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung, lễ thỉnh kinh diễn lại câu chuyện thầy trò Đường Tăng, lễ khai kinh, đăng đàn thí thực. Mục đích của lễ hội là cầu cho quốc thái dân an, mọi người, mọi nhà được ấm no hạnh phúc, đây là một lễ hội tín ngưỡng dân gian người Hoa có từ lâu đời mang đậm nét đẹp truyền thống văn hoá của cộng đồng dân tộc Kinh-Khmer-Hoa trên địa bàn huyện Cầu Kè.


Vạn Niên Phong Cung

Lễ Vu Lan Thắng Hội, đây là một trong những hoạt động văn hóa tâm linh được tổ chức đan xen tại 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa trên địa bàn huyện Cầu Kè từ ngày 8 đến ngày 28/7 âm lịch hàng năm và thu hút hơn 10 ngàn du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan lễ hội, đây cũng là lễ hội được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận là lễ hội văn hóa dân gian tâm linh cấp tỉnh, đặc biệt năm 2016 được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chọn là một trong những lễ hội văn hóa cấp Quốc gia.

Đó là tiềm năng về du lich sinh thái – sông nước

Cầu Kè có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái. Cầu Kè có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên đất, hệ thống Cồn giữa sông, kênh, rạch chằng chịt và phong phú đây là điều kiện tốt để phát triển một nền kinh tế đa dạng , nhất là phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá (lúa, cây ăn trái, rau sạch, các sản phẩm thủy sản nước ngọt…) gắn với chế biến, cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu khách du lịch. Cù lao Tân Quy nổi tiếng với biệt danh “xứ của các loài cây ăn trái”, bởi người dân nơi đây đều sinh sống bằng nghề làm vườn cây ăn trái chuyên canh. Người đất ít cũng có vài công vườn để canh tác, nhà nào có điều kiện hơn thì lên tới vài công đất vườn. Các loại trái cây như: măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, mít, dừa, xoài, đu đủ…


Bãi tắm cồn Tân Qui

Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, kết hợp với khí hậu đồng bằng cửa sông, ven biển là lợi thế để phát triển du lịch. Bãi tắm của Cầu Kè còn hoang sơ, môi trường trong sạch, hệ thống thực vật tự nhiên, là điều kiện thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái cửa sông ven biển hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước đến khám phá.

Đó là tiềm năng về Du lịch Văn hóa, truyền thống

Nhà cổ Cầu Kè còn gọi là nhà Huỳnh Kỳ tọa lạc ở khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Đây là ngôi nhà có đường nét cổ kính, vật liệu, phong cách trang trí tiêu biểu cho kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX. Chủ nhân của ngôi nhà cổ là Đốc phủ sứ Huỳnh Kỳ, người đứng đầu Tổng Tuân Giáo đưới quyền điều hành của viên Pháp tỉnh Cần Thơ. Ngôi nhà khi xây dựng được chú trọng “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” với mặt bằng tổng thể được phân bố: ngôi nhà chính nằm theo chiều dọc trung tâm, nhà sau theo chiều ngang ngôi nhà chính nối liền bằng một đường dẫn, nhà kho nằm theo chiều dọc bên trái nhà chính. Bao bọc khung viên là hàng rào với các cổng ra vào.


Nhà cổ Huỳnh Kỳ

Ngôi nhà chính hình chữ nhật, có diện tích chung là 318 m2, nền nhà cao gần 1m so với sân vườn. Hai bên sảnh thiết kế hình vòng cung với bậc tam cấp và hành lang trang trí những trụ lục bình, nội thất ngôi nhà gồm 5 gian được chia làm 2 phần trước và sau, vách và trần nhà đều trang trí bằng những phù điêu và hoa văn với nhiều họa tiết tinh xảo, các vật dụng trong nhà cổ Cầu Kè được bố trí theo phong cách thuần Việt và có sự giao thoa rõ nét giữa hiện đại và truyền thống.

Nhà cổ Cầu Kè là một minh chứng cho lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại. Nhằm bảo tồn phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập, ngày 12/9/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1454 công nhận Nhà cổ Cầu Kè là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Trong kho tàng di sản kiến trúc ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngôi chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống người dân.                         

Ngôi chùa không những là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hóa lễ hội, thể dục thể thao trong năm. Ngôi chùa như một biểu tượng văn hóa tinh thần và vật chất của dân cư trong khu vực với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo với những cổ vật niên đại khoảng năm 1600 và có nhiều nét riêng biệt, đặt sắc.


Chùa Khmer ấp 2, Xã Phong Thạnh

Những giá trị nghệ thuật được gửi gắm trong hình khối kiến trúc, sự hòa hợp giữa kiến trúc và điêu khắc cùng với những đường nét trang trí tinh xảo đầy ấn tượng, tất cả tạo nên những nét riêng biệt đặc sắc góp phần xứng đáng vào kho tàng kiến trúc của các dân tộc Việt Nam.

            Khu tưởng niệm Nữ anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Thị Út (Út Tịch) vừa được xây dựng hoàn chỉnh năm 2016. Khu tưởng niệm có tổng diện tích xây dựng trên 6.900 mét vuông, gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày truyền thống, nhà hội thảo chiếu phim, nhà quản lý, nhà dừng chân, nhà dịch vụ lưu niệm, hệ thống giao thông, hàng rào, vỉa hè, cùng một số công trình phụ trợ, với tổng kinh phí xây dựng trên 35 tỷ 780 triệu do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh.


Khu tưởng niệm Nữ anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Thị Út (Út Tịch)

Đây là nơi trưng bày, lưu giữ các hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của chị Út Tịch, một tấm gương trong sáng, kiên trung, bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, chứa đựng tình cảm, ghi nhớ công ơn, sự tri ân đối với anh hùng liệt sĩ; là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Với những tiềm năng sẳn có với những cái “độc” và “lạ” một tương lai không xa Du lịch huyện Cầu Kè sẽ là một điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và khám phá.

Bài, ảnh: Hoài Thanh

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 1254
  • Trong tuần: 25 001
  • Tất cả: 4200398
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.