Ghi nhận không khí lễ Vu lan thắng hội năm 2018 ở huyện Cầu Kè
Đến hẹn lại lên, hằng năm từ ngày 25 đến ngày 28/7 âm lịch, tại điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung, ở Khóm I, thị trấn Cầu Kè diễn ra lễ Vu Lan thắng hội hay còn gọi là lễ hội cúng ông Bổn của đồng bào người Hoa. Đây là một lễ hội tín ngưỡng dân gian người Hoa có từ lâu đời mang đậm nét đẹp truyền thống văn hoá của cả cộng đồng dân tộc Kinh-Khmer-Hoa trên địa bàn huyện Cầu Kè.

Vạn Niên Phong Cung nơi diễn ra
lễ Vu lan thắng hội của đồng bào nhười Hoa

Hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè có 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa tổ chức lễ hội cúng ông Bổn như: Vạn Ứng Phong Cung, Minh Đức Cung, Thiên Đức Cung, ở xã Hòa Ân; Niên Phong Cung, Vạn Đức Phong Cung, ở xã Tam Ngãi và điểm Vạn Niên Phong Cung, ở khóm I, thị trấn Cầu Kè. Trong này điểm tín ngưỡng Vạn Niên Phong Cung được cộng đồng người Hoa tổ chức lễ hội với qui mô lớn hơn so với các điểm tín ngưỡng khác. Trong 4 ngày diễn ra lễ hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động nghi lễ mang đậm nét đặc trưng văn hoá truyền thống của cộng đồng người Hoa như: thỉnh kinh, thỉnh phật, khai kinh, cầu an đồng bào chí sĩ tử vong, mỗi nghi lễ đều có một mục đích, ý nghĩa riêng của nó nhưng chung qui là cầu cho Quốc thái dân an, nhà nhà, người người ăn nên làm ra, gia đình ấm no hạnh phúc. Đây là lễ hội mang đậm nét tâm linh nên hàng năm thu hút một lượng du khách đến tham dự lễ hội rất đông, theo ước tính có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan và vui chơi lễ hội, đông nhất vẫn là du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An. Anh Nguyễn Văn Nam, một du khách ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tôi đến lễ hội ông Bổn này đây cũng lần thứ 3 thì mục đích của mình cũng như bao nhiêu khách thập phương đến để cầu xin ông cho mình trong năm làm ăn được tấn tài tấn phát, sức khỏe được dồi giàu, gia đình được bình an. Về mặt qui mô tổ chức của lễ hội này thì theo tôi nhận định thì tôi thấy những khách thập phương đến đây trang nghiêm tôn kính, còn về mặt tổ chức cũng như mặt trật tự của lễ hội này thì tôi thấy rất là ổn và an toàn cho khách thập phương đến đây dự lễ”.


Khách thập phương đến tham quan lễ Vu lan thắng hội

Cũng nhân dịp lễ hội này, từ ngày 04-7/9, huyện Cầu Kè đã tổ chức Gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của huyện với qui mô 12 gian hàng, trong đó có 01 gian hàng trưng bày của huyện và 11 gian hàng trưng bày của các xã, thị trấn, chủ yếu với các sản phẩm trái cây đặc trưng của địa phương như: Cam sành, bưởi da xanh, dừa sáp, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt và sản phẩm điêu khắc, hàng thủ công mỹ nghệ, đan đát… Đây là dịp để huyện Cầu Kè giới thiệu, quảng bá các loại trái cây ngon, trái cây quí, những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách thập phương. Ông Lưu Văn Nhạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: “Trong lễ Vu lan thắng hội thì huyện đã lồng ghép tổ chức trưng bày gian hàng các đặc trưng của huyện để nhằm quảng bá, giới thiệu đến du khách thập phương. Qua đây cũng nhằm xúc tiến thương mại về lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần cho người dân nâng cao về thu nhập. Đồng thời qua kênh này cũng tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực du lịch để nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch để phát triển du lịch ngày càng bền vững hơn”.

Bên cạnh đó, nắm bắt được nhu cầu của du khách thì trong những ngày diễn ra lễ hội ngoài các hoạt động phục vụ ăn uống, giải khát thì nhiều hộ kinh doanh từ các địa phương khác cũng đến tham gia bày bán rất nhiều các mặt hàng thực phẩm như: khô mực, khô cá sặc rằn, tôm khô, ba khía và quần áo, vải sợi, mỹ phẩm, đồ trang sức…. phục vụ cho du khách. Ngoài ra, các nhà vườn ở huyện Cầu Kè cũng tranh thủ mang những loại trái cây đặc sản của địa phương như: Dừa sáp, chôm chôm, cam sành, bưởi da xanh, bưởi năm roi, cóc, chuối táo quạ…ra bày bán nhằm kiếm thêm thu nhập. Bà Dương Thị Lan, ở Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đến tham dự lệ hội năm nay là lần đầu tiên, bà cho biết đến với Cầu Kè ngoài tham dự lễ Vu lan thắng hội bà còn được thưởng thức nhiều loại cây đặc sản mà hiếm địa phương nào có được và đây sẽ là món quà không thể thiếu cho bạn bè khi quay về thành phố. Bà nói: “Lần đầu tiên cô xuống Cầu Kè, Trà Vinh cô thấy trái cây ngon quá, nào là bưởi da xanh, bưởi năm roi, dừa sáp, thích nhất là dừa sáp, rồi măng cụt cô mua về làm quà cho gia đình, cho bạn bè, thấy trái cây thích quá”.

Du khách tranh thủ mua trái cây
đặc sản của huyện về làm quà

 Để đảm bảo cho du khách đến tham quan lễ hội được an toàn thì ngành chức năng huyện cũng đã tăng cường công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, sắp xếp nơi mua bán, niêm yết giá cả phương tiện đưa rước khách, giá cả các chủng loại trái cây, hàng hoá và dịch vụ không để tình trạng tăng giá đột biến, đồng thời phân luồng và bến đổ của các đoàn xe khách, không để ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho khách đến tham quan lễ hội được thuận lợi và an toàn. Bà Nguyễn Ngọc Bảy, ở thành phố Cần Thơ nói: “Lễ hội này mới lần thứ nhất tôi đến mà thấy hoành tráng, có tính dân gian bà con cô bác ai cũng tín ngưỡng và bảo vệ an ninh trật tự ở đây cũng thấy chặt chẽ, cô bác mình không có mất mát một cái gì hết, đi tới đi lui rất tự do, thấy rất là vui sự dân gian tín ngưỡng ông Bổn này”.

Nói về công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội, ông Lưu văn Nhạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: “Huyện cũng đã chỉ đạo cho lực lượng Công an phối hợp với Công an thị trấn trực 24/24 sẵn sàng xử lý mọi tình huống có thể xảy ra. Đối với giao thông thì huyện cũng chỉ đạo cho lực lượng phân luồng phân tuyến sắp xếp xe đậu đúng nơi, đúng chổ nhằm tránh ách tắc giao thông. Riêng về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm thì cũng có cử lực lượng đến kiểm tra, vận động người dân, tuyên truyền để cho người dân hiểu về an toàn thực phẩm tránh tình trạng ngộ độc xảy ra. Về giá cả thì yêu cầu tất cả những người buôn bán phải có niêm yết giá để cho khách tự chọn lựa tránh tình trạng tăng giá đột biến làm cho thị trường sáo động”.

Lượng xe khách đến tham quan lễ hội

Có thể nói Vu Lan Thắng Hội, đây là một lễ hội tín ngưỡng dân gian người Hoa có từ lâu đời mang đậm nét đẹp bản sắc truyền thống văn hoá của cả cộng đồng dân tộc Kinh- Khmer-Hoa trên địa bàn huyện Cầu Kè và cũng được tỉnh Trà Vinh công nhận là lễ hội văn hóa dân gian tâm linh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Cầu Kè là một trong số ít địa phương còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích cổ, di tích lịch sử văn hóa cách mạng đặc trưng cho truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng như: di tích lịch sử cách mạng chùa Ô Mịch, ở xã Châu Điền; Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ, Khu Tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch), ở xã Tam Ngãi hay di tích lịch sử nhà cổ Huỳnh Kỳ, ở thị trấn Cầu Kè…đây là tiềm năng lợi thế để khai thác và phát triển du lịch, do đó huyện cần có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ và phát huy lợi thế vốn có, đồng thời có kế hoạch mời gọi đầu tư các ngành nghề phục vụ du lịch, nhằm khai thác hết tiềm năng lợi thế du lịch ở địa phương trong thời gian tới./.

Bài, ảnh: Tấn Lập
Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 1 080
  • Tất cả: 4228537
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.