Anh Nguyễn Văn Chọn, ấp An Lộc, xã Hòa Tân có thu nhập kinh tế cao từ mô hình trồng mít Thái

    Thực hiện phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay. Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Cầu Kè đã có không ít hộ nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó đã mang lại hiệu quả thu nhập kinh tế, góp phần nâng cao mức sống và làm giàu chính đáng tại địa phương. Điển hình như anh Nguyễn Văn Chọn, ở ấp An Lộc, xã Hòa Tân với mô hình trồng mít Thái, hàng năm cho thu nhập kinh tế khá cao.

 

Anh Chọn bên vườn mít của gia đình

       Trong không khí của những ngày đầu năm mới Tân Sửu năm 2021, chúng tôi có dịp đến với cù lao ấp An Lộc, một địa phương được nhiều người biết đến bởi nơi đây có nhiều loại trái cây đặc sản như: xoài, nhãn, mận... Nhưng vài năm trở lại đây do một số loại dịch bệnh tấn công trên cây ăn trái, đặc biệt là bệnh chỗi rồng trên cây nhãn da bò, do đó một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Điển hình như anh Nguyễn Văn Chọn đã chuyển đổi 5.000 mét vuông diện tích vườn trồng nhãn da bò của gia đình bị nhiễm bệnh chỗi rồng không mang lại hiệu quả kinh tế sang trồng mít Thái. Do nằm giữa dòng sông Hậu được phù sa bồi đắp nên vùng đất ở đây rất thích hợp cho các loại cây ăn trái phát triển, trong đó có cây mít Thái. Hiện nay vườn mít của anh Chọn đã được 3 năm tuổi đang phát triển tốt và cho trái đều đặn. Để sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, anh Chọn không sử dụng phân hóa học bón cho cây, không sử dụng thuốc kích thích để xử lý trái nghịch vụ, thay vào đó để giúp cho vườn mít của gia đình phát triển bền vững, anh sử dụng phân chuồng để bón và để trái thuận theo tự nhiên nên trong vườn tháng nào cũng có mít bán. Anh Chọn cho biết, từ đầu vụ trái đến nay đã thu hoạch gần 25 tấn trái, với giá bán bình quân 20.000 đ/kg, trừ các khoảng chi phí anh còn lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Nói về kỹ thuật trồng mít, anh Chọn cho biết: “Trồng mít ưa có tình trạng là bị xơ đen, sượng múi này kia, gặp tình trạng đó là lái không mua luôn, dạt bỏ bị vì đắng. Sau một thời gian tôi tìm tòi và học hỏi rút kinh nghiệm lại thì mít chịu với phân hữu cơ, từ đó tới sau tôi chuyển sang hữu cơ, hạn chế vụ xơ đen lại và mẫu mã cũng đẹp, múi ngon, chất lượng ngon, thương lái chuộng bên hữu cơ, thị trường cũng chịu, bán cũng được, thương lái cũng khoái lắm”.

 

Lãnh đạo Chính quyền địa phương tham quan vườn mít của gia đình anh Chọn

    Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu này vườn mít của anh sẽ cho thu hoạch khoảng 03 tấn trái, với giá được thương lái các nơi đến mua hơn 30 ngàn đồng/kg, với giá bán này sau khi thu hoạch bán trừ đi các khoảng chi phí sản xuất anh thu về số tiền kha khá để đón tết cổ truyền của dân tộc thêm phần sun túc hơn. Nói về hiệu quả từ cây mít mang lại, anh Chọn chia sẻ: “Năm nay tôi thu hoạch là năm thứ 2 tổng số lượng thì được 25 tấn, lúc có giá có, lúc rẻ có nhưng tôi bình quân kéo lại khoảng 20.000đ/kg thì cũng được 500 triệu, trong đó chi phí phân thuốc tôi đầu tư vô thì cũng hết 70 triệu, lợi nhuận tôi bỏ túi cũng được 430 triệu. Thu nhập thì cũng ổn định, cũng khá có dư dã trong nhà, rồi ăn tết năm nay mình ăn tết cũng sun túc khang trang hơn mọi năm”.

     Do sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn nên sản phẩm mít của anh Chọn làm ra rất được thương lái cũng như thị trường ưa chuộng, hơn nữa anh để trái thuận theo tự nhiên nên trong vườn tháng nào cũng có mít bán và có nguồn thu nhập kinh tế khá ổn định. Thấy được hiệu quả từ việc chuyển đổi sang trồng mít Thái mang lại, hiện tại anh Chọn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm 5.000 mét vuông diện tích đất của gia đình sang trồng 600 gốc mít Thái theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, để chăm sóc diện tích vườn của gia đình, anh đầu tư hệ thống tưới phun vừa tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất vừa tiết kiệm được nguồn nước ngọt trước tình hình biến đổi của khí hậu, đặc biệt nước mặn đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Nhận xét về hiệu quả mô hình trồng mít Thái của anh Nguyễn Văn Chọn, ông Ung Hữu Toàn, Trưởng Ban nhân dân ấp An Lộc nói: “Ở đây thì hộ của anh Chọn trồng mít Thái nói chung đạt hiệu quả rất là cao, anh Chọn cũng tìm tòi học hỏi những kỹ thuật về để áp dụng cho vườn mít Thái của mình. Trong năm qua thì anh Chọn thu hoạch rất là nhiều, đem lại thu nhập rất là cao. Hướng tới đây Chi bộ và Ban nhân dân là vận động bà con những hộ mà có vườn kém hiệu quả đến tham quan và học hỏi để chuyển đổi trồng mít Thái, vừa qua thì cũng phát triển được 4, 5 hộ trồng mít Thái, hướng tới nữa thì chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân trồng mít Thái theo hướng hữu cơ để tăng thu nhập cho bà con”.

      Theo ông Ung Hữu Toàn, Trưởng Ban nhân dân ấp An Lộc cho biết thêm: Hiện toàn ấp có 167 hécta diện tích vườn cây ăn trái, trong này có trên 08 héc ta diện tích trồng mít của 15 hộ dân, hầu hết các diện tích trồng mít Thái ở địa phương đang phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.

       Có thể nói, cây mít Thái hiện là một trong những loại cây trồng được chuyển đổi đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng, do đó bà con nông dân trên cù lao ấp An Lộc có điều kiện phù hợp cần xem xét mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mít, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế, làm giàu cho gia đình, góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc mỗi độ Tết đến Xuân về./.

 

                                                                                     Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 40
  • Trong tuần: 1 362
  • Tất cả: 4228308
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.