Cầu Kè chú trọng xây dựng và định hướng phát triển sản phẩm OCOP

      Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, thời gian qua huyện Cầu Kè đã chú trọng phát triển các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế của từng địa phương, góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững.

 

anh tin bai

Trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Cầu Kè lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028

      Chương trình mỗi xã một sản phẩm ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm nông sản địa phương, không chỉ tạo sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp của huyện, mà còn góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo động lực phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuỗi giá trị kinh tế. Để đạt mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, có từ 20 sản phẩm tham gia chương trình OCOP trở lên, thời gian qua huyện Cầu Kè đã tận dụng lợi thế là địa phương phát triển nông nghiệp từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương có giá trị kinh tế cao để phát triển các sản phẩm OCOP. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng bao bì, nhãn hàng hóa sản phẩm, bảo đảm thị hiếu và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm để đăng ký tham gia chương trình; tích cực hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đăng ký; thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

       Với sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các hộ dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia và không ngừng hoàn thiện, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó, đến nay, huyện Cầu Kè có 37 sản phẩm OCOP của 23 chủ thể, trong đó có 25 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 08 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 03 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 01 sản phẩm 5 sao, đặc biệt Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) xác lập kỷ lục Việt Nam vì đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị đặc sản dừa sáp Cầu Kè. Hiện Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè đã chế biến sâu trái dừa sáp thành 09 dòng sản phẩm khác nhau, trong đó có 06 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, 01 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao, 02 sản phẩm còn lại do mới sản xuất nên chưa đăng ký. Đa số các sản phẩm sau khi đạt OCOP được sản xuất với qui mô lớn hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng và được biết đến rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các sàn thương mại điện tử và hiện nay huyện có 07 sản phẩm tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Thực tế cho thấy khi triển khai Chương trình OCOP tại huyện Cầu Kè với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, việc thực hiện có hiệu quả Chương trình sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân trong huyện. Ngoài ra, để nâng tầm sản phẩm OCOP, tạo thành phong trào sâu rộng, huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ về lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP. Từ đó, gắn kết sản xuất và tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thể hiện đặc trưng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, phát triển ngành nghề truyền thống, thiết thực góp phần đổi mới nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

anh tin bai

Ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể

      Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình cũng có những khó khăn, vướng mắc như: sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương chưa nhiều, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế; nhận thức của số ít người dân về Chương trình chưa thực sự đầy đủ; còn lúng túng trong lựa chọn sản phẩm, chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có; một số cơ sở chưa chủ động đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình còn ở quy mô nhỏ, thiếu kiến thức về thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi; chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm.

        Để tiếp tục xây dựng và định hướng phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện trong thời gian tới, ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết một số giải pháp cụ thể như sau: “Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân và các chủ thể OCOP trên địa bàn về chương trình mỗi xã một sản phẩm. Rà soát các sản phẩm tiềm năng và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP, đồng thời hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, đăng ký bổ sung các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương để đưa vào danh mục thẩm định, công nhận hàng năm và giai đoạn. Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Hỗ trợ các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ngoài ra, áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương và giúp các chủ thể có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và nâng hạng sản phẩm OCOP”.

    Chương trình OCOP ở huyện Cầu Kè như một “làn gió mới”, đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của Nhân dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tập trung, góp phần phát huy, nâng cao giá trị nhiều sản phẩm thế mạnh của huyệnnâng cao giá trị sản phẩm của người dân./.

Tấn Lập
Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 40
  • Trong tuần: 1 256
  • Tất cả: 4228436
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.