Cải thiện kinh tế từ việc trồng rau nhút của Chi hội nghề nghiệp ở ấp 1, xã Phong Thạnh

     Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua Hội Nông dân các cấp trong huyện Cầu Kè đã tập trung xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Tham gia mô hình này nhiều hộ dân trong huyện đã biết liên kết làm ăn và có thu nhập kinh tế ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

anh tin bai

Anh Trần Nghĩa Nhân, ở ấp 1, xã Phong Thạnh đang thu hoạch rau nhút của gia đình

     Việc Hội nông dân thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp được dựa trên tiêu chí “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự sẻ chia, cùng trách nhiệm, cùng hưởng lợi. Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở ấp 1, xã Phong Thạnh là một trong những chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập dựa trên các tiêu chí như vậy. Được thành lập và ra mắt vào năm 2017, Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở ấp 1, xã Phong Thạnh có 11 thành viên tham gia, với diện tích 2,3ha. Từ khi thành lập đến nay, các hội viên tham gia được tạo điều kiện cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong canh tác cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm rau nhút sạch, chất lượng. Cùng với các cơ quan chức năng tạo liên kết để đưa sản phẩm ra thị trường với mức giá phù hợp, đảm bảo được chất lượng đời sống của bà con Nhân dân. Anh Trần Nghĩa Nhân, là thành viên Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở ấp 1, xã Phong Thạnh cho biết: Năm 2017, khi tham gia vào Chi hội nghề nghiệp, anh chuyển 0,7 hécta diện tích đất trồng lúa của gia đình sang trồng rau nhút, sau một thời gian canh tác nhận thấy rau nhút chi phí đầu tư trồng thấp, phù hợp với thổ nhưỡng, đầu ra ổn định và mang hiệu quả kinh tế cao nên anh Nhân đã quyết định chuyển hết 01 hécta diện tích đất trồng lúa còn lại của gia đình sang trồng rau nhút, từ đó đời sống kinh tế của gia đình ổn định hơn trước. Anh Nhân cho biết thêm, trồng rau nhút khâu chăm sóc tương đối dễ nhưng phải thực hiện đúng theo quy trình thì rau nhút mới phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh xảy ra. Rau nhút thời gian từ khi trồng cho đến thu hoạch khoảng 02 tuần, thời gian thu hoạch kéo dài hơn 8 tháng, sau thời gian này người trồng phải cải tạo đất trồng lại mới đảm bảo rau nhút phát triển tốt cho năng suất cao. Thời điểm chúng tôi đến tham quan thì gia đình anh Nhân đang bước vào thu hoạch 0,7 ha diện tích trồng rau nhút, với diện tích này bình quân mỗi ngày anh thu hoạch từ 200-300kg rau nhút và được thương lái đến thu mua với giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Cũng theo anh Nhân cho biết, 01 công đất trồng rau nhút sau một đợt trồng trừ các khoảng chi phí đầu tư sản xuất anh còn lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Nói về hiệu quả từ việc trồng rau nhút mang lại, anh Nhân cho biết: “Trước đây gia đình chủ yếu trồng lúa không có hiệu quả kinh tế, qua tìm hiểu thấy bà con trong ấp trồng rau nhút đạt hiệu quả, tôi bất đầu chuyển qua trồng rau nhút, trên bờ trồng thêm rau các loại rau để tăng thu nhập cho gia đình, giờ thấy trồng rau nhút có hiệu quả hơn lúa gấp 3-4 lần”.

 

anh tin bai

Chuẩn bị nguồn hàng giao cho thương lái

    Còn đối với anh Phan Văn Thành cũng là một trong những thành viên của Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở ấp 1, xã Phong Thạnh có cuộc sống ổn định từ khi tham gia vào Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở địa phương. Cũng như anh Nhân, anh Thành trước đây gia đình cũng chủ yếu làm lúa, thu nhập mỗi vụ lúa không được bao nhiêu do đất nằm ở vùng trũng. Nhận thấy các thành viên của Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở địa phương tham gia liên kết trồng rau nhút mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, nên anh Thành đã quyết định chuyển hết 0,5 ha diện tích đất lúa của gia đình sang trồng rau nhút đến nay đã được 03 năm. Hiện bình quân mỗi ngày gia đình cũng thu hoạch khoảng 200kg rau nhút để bán ra thị trường, sau khi trừ chi phí sản xuất anh Thành còn lợi nhuận trên 20 triệu đồng/tháng. Anh Thành chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi trồng lúa nhưng thấy không có hiệu quả để lo kinh tế cho gia đình, tôi chuyển hết phần diện tích đất của mình sang trồng rau nhút, trên bờ tôi trồng rau thêm, tôi nhận thấy trồng rau nhút lợi nhuận hơn so với trồng lúa, giờ kinh tế gia đình cũng ổn định hơn trước”.

 

anh tin bai
anh tin bai

Diện tích trồng rau nhút của anh Phan Văn Thành, ở ấp 1, xã Phong Thạnh bước vào đợt thu hoạch

      Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ấp 1, xã Phong Thạnh đã phát huy được tin cộng đồng trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc rau nhút từ đó năng suất, chất lượng luôn được đảm bảo, hiệu quả kinh tế mang lại ổn định, nên đến nay Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở ấp 1 đã thu hút được 72 hội viên nông dân tham gia, với tổng diện tích gần 40 hécta. Nhận thấy hoạt động của Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở ấp 1 mang lại hiệu quả thiết thực, Hội Nông dân xã Phong Thạnh đã và đang nhân rộng Chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ra các ấp còn lại trên địa bàn xã, đặc biệt là đối với các ấp có diện tích trồng rau nhút nhiều như: ấp 3, Xóm Giữa và ấp Cây Gòn. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhớ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Thạnh cho biết: “Trong thời gian qua Hội Nông dân xã cũng phát động nhiều mô hình phát triển kinh tế làm ăn có hiệu quả, đặc biệt là mô hình trồng rau nhút của Chi hội nghề nghiệp ở ấp 1, qua một thời gian chuyển đổi sang trồng rau nhút đến nay các thành viên trong Chi hội đều có cuộc sống khấm khá, lợi nhuận trồng rau nhút cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Hướng tới, Hội nông dân xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm giúp các thành viên trong Chi hội nghề nghiệp cũng như bà con nông dân trồng rau nhút ở địa phương nắm vững quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để áp dụng vào trong sản xuất, góp phần đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

    Trồng rau nhút không phải là mô hình mới nhưng thời điểm này nó vẫn được nhiều bà con nông dân ở huyện Cầu Kè, đặc biệt là Chi hội nghề nghiệp ở ấp 1, xã Phong Thạnh ưu tiên chọn trồng vì mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay. Hi vọng rằng, với sự chủ động thay đổi của bà con nông dân cùng với sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn sẽ giúp cho đời sống của người nông dân phát triển ổn định hơn trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình./.

Thân Ni
Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 42
  • Trong tuần: 1 258
  • Tất cả: 4228438
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.