Thanh niên Cầu Kè với phong trào lập thân, lập nghiệp

    Huyện Cầu Kè hiện có gần 2.470 đoàn viên thanh niên sinh hoạt ở 110 Chi đoàn trực thuộc. Bằng ý chí, dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động, sản xuất, những năm gần đây nhiều đoàn viên, thanh niên ở huyện Cầu Kè đã khởi nghiệp xây dựng và phát triển các mô hình phát triển kinh tế khác nhau. Các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ không chỉ giúp bản thân đoàn viên, thanh niên có việc làm ổn định, tăng thu nhập, mà còn góp phần xây dựng, nâng cao vị thế của tổ chức Đoàn trong hệ thống chính trị; khẳng định vai trò của đoàn viên trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới.

 

anh tin bai
anh tin bai

Mô hình trồng dừa sáp xen chuối tá quạ của đoàn viên Nguyễn Thuận Phát, ở ấp Bà My, xã Hòa Ân

   Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, đoàn viên Nguyễn Thuận Phát, ở ấp Bà My, xã Hòa Ân đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, tìm cho mình hướng đi riêng trong phát triển kinh tế. Mô hình trồng dừa sáp xen chuối tá quạ của anh hiện đang mở ra nhiều triển vọng phát triển mới. Anh Phát cho biết: trước đây kinh tế gia đình chủ yếu trồng cam sành với diện tích 0,8 hécta, trong quá trình sản xuất thấy cam sành giá cả không ổn định nên năm 2017 anh mạnh dạn cải tạo chuyển sang trồng 200 cây dừa sáp và trồng xen chuối tá quạ, đây là 02 loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và đang phát triển tốt. Hiện tại, vườn dừa sáp của anh tỷ lệ cây cho trái 80% so với tổng số lượng dừa trồng, mỗi tháng thu hoạch một lần, sản lượng trên dưới 1.000 trái dừa khô, trong đó có khoảng 100 trái dừa sáp, thu nhập từ việc bán dừa khô và dừa sáp mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Đối với chuối tá quạ một tuần anh Phát thu hoạch 01 lần, sản lượng khoảng 80kg và được Hợp tác xã Tân Qui, ở xã An Phú Tân thu mua tại vườn với giá dao động trên dưới 14 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, anh Phát còn bán cây giống dừa sáp và chuối tá quạ cho bà con trên địa bàn huyện, mỗi cây dừa sáp giống anh bán với giá 35 ngàn đồng và từ 6-8 ngàn đồng đối với chuối tá quạ giống. Mô hình trồng dừa sáp xen chuối tá quạ của anh Phát có nguồn thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.

 

anh tin bai
anh tin bai

Anh Nguyễn Hà Bảo Thiện, ở ấp 4, xã Thạnh Phú chăm sóc đàn gà của mình

    Còn anh Nguyễn Hà Bảo Thiện, ở ấp 4, xã Thạnh Phú với niềm đam mê trong chăn nuôi. Năm 2017, sau khi tìm hiểu, học hỏi kỹ về kỹ thuật chăn nuôi gà, anh Thiện quyết định nuôi thử nghiệm 500 con gà ta, trong đợt nuôi đầu tiên anh thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi gà mang lại kha khá, từ đó đến nay anh Thiện đã tiếp tục thả nuôi gà với số lượng tăng dần. Đến năm 2022, anh Thiện chuyển sang nuôi gà tre, ưu điểm gà tre là ít bệnh và có giá bán tương đối cao hơn so với giống gà anh nuôi trước đây, mỗi năm anh đầu tư thả nuôi 02 đợt, mỗi đợt khoảng 3.000 con gà giống, mỗi đợt xuất bán trên dưới 03 tấn gà thương phẩm, giá bán ổn định mức từ 75-80 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các khoảng chi phí anh Thiện còn lợi nhuận trên dưới 60 triệu đồng.

      Với khát vọng, nhiệt huyết, sáng tạo, tự tin, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, nhiều đoàn viên thanh niên ở huyện Cầu Kè còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, để đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm, Huyện Đoàn Cầu Kè đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, Bí thư Huyện Đoàn Cầu Kè cho biết cụ thể: “Để thực hiện có hiệu quả phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp thời gian tới Huyện Đoàn sẽ tiếp tục tạo điều kiện giúp cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, nguồn vốn giải quyết việc làm từ Tỉnh Đoàn giải ngân cho các đoàn viên thanh niên thực hiện các mô hình làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức mở các tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để cho đoàn viên thanh niên có kiến thức áp dụng vào sản xuất phát triển kinh tế; tiếp tục nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả kinh tế trong lực lượng đoàn viên thanh niên, phối hợp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN có việc làm ổn định tăng thu nhập kinh tế cho gia đình”.

    Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường, niềm tin mạnh mẽ đó đang được thanh niên ở huyện Cầu Kè nỗ lực, cụ thể hóa trên con đường lập thân, lập nghiệp. Hiệu quả của các mô hình kinh tế do thanh niên nơi đây làm chủ đã và đang từng bước khẳng định thanh niên nông thôn hoàn toàn có thể lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương. Tin tưởng rằng, những hoài bão, ước mơ và cả những nỗ lực của những thanh niên sẽ sớm thành công và trở thành điểm sáng cho tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ Cầu Kè./.

Thân Ni
Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 944
  • Tất cả: 4228591
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.