Cầu Kè qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách

    Trước đây, Cầu Kè là huyện có nhiều khó khăn, đời sống người dân trên địa bàn huyện sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, tuy nhiên, trong thời gian qua, cùng với việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thì huyện Cầu Kè cũng luôn quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, đặc biệt là việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó đã giúp cho không ít đối tượng hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cầu Kè giải ngân vốn tín dụng cho người dân tại xã Tam Ngãi

    Cụ thể, qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định số 78 của Chính phủ, giai đoạn (2002-2022), từ 02 chương trình cho vay ban đầu đến nay đã có 16 chương trình tín dụng chính sách được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cầu Kè triển khai thực hiện với tổng dư nợ đến nay là trên 1.140 tỷ đồng, nhờ đồng vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã giúp cho trên 37.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn, đồng thời còn hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm cho trên trên 6.500 lao động trong và ngoài nước, hỗ trợ gần 6.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ vốn giúp các hộ dân xây mới và cải tạo trên 15.400 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ cho vay xây dựng mới gần 4.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng luôn được quan tâm và cải thiện dần qua từng năm, hiện nay toàn huyện có 329 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong 20 năm qua tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nói giữa Ngân hàng và người vai vốn, góp phần truyền tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai dân chủ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, nếu như năm 2002 tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 5,44% thì đến năm 2022 giảm xuống còn 0,48%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng/người/năm, có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Cầu Kè đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2019. Chị Nguyễn Ngọc Thanh, ở ấp Trà Mẹt, xã Thông Hòa là một trong nhiều hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội chia sẽ: Trước đây tôi là hộ khó khăn, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi về đầu tư nuôi heo, bò, bây giờ gia đình cũng được ổn định và khá giả hơn trước nhiều, tôi rất mừng".

 

Chị Nguyễn Ngọc Thanh thực hiện giao dịch với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện tại điểm giao dịch xã

       Bên cạnh việc triển khai thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ thì thời gian gần đây, huyện Cầu Kè còn triển khai thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cụ thể đã giải ngân hơn 210 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vay vốn để phát triển kinh tế và giải ngân cho trên 20 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học trực tuyến, với tổng số tiền trên 09 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Gọn, ở ấp Bà My, xã Tam Ngãi là một trong những hộ được vay vốn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ vui mừng nói: “Gia đình sống nhờ bán quán ăn, do tình hình dịch bệnh Covid-19 không buôn bán gì được, lại không có công việc làm ổn định cuộc sống khó khăn. Nhờ Nhà nước cho vay vay vốn ưu đãi tôi về cải tạo đất trồng dừa và mở lại quán ăn để cuộc sống ổn định hơn sau dịch bệnh Covid-19”.

 

Chị Nguyễn Thị Gọn thực hiện các thủ tục vay vốn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ

     Song song đó, để nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời, đảm bảo chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người vay tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện còn thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Phụ Nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến Binh, Đoàn Thanh Niên và được tổ chức giải ngân vốn tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, tạo điều kiện giao dịch thuận lợi, nhanh chóng cho người dân. Ông Hứa Thanh Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thông Hòa cho biết: “Từ khi có chính sách tín dụng của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho người dân cũng như hội viên các đoàn thể, trong đó có hội viên nông dân tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi. Về công tác giải ngân, Ngân hàng chính sách xã hội huyện kết hợp với các Hội đoàn thể xã thông qua tín chấp, thủ tục đơn giải cho bà con vay vốn, đặc biệt giải ngân tại xã giúp cho người dân tiện lợi hơn”.

       Trao đổi với chúng tôi về kết quả thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trong thời qua, ông Nguyễn Hoàng Vinh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cầu Kè cho biết: Trong 20 năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đa tham mưu cấp ủy Đảng, Chính quyền và Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện triển khai kịp thời, nhanh chóng các chương trình tín dụng chính sách tín dụng trên địa bàn huyện, nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời, đầy đủ đối những người có nhu cầu vay và đủ điều kiện. Công tác giải ngân, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tổ chức lịch giao dịch cố định tại 11 xã , thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân đến giao dịch với Ngân hàng. Thủ tục, hồ sơ vay vốn thì cũng đã được cải tiến theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Mỗi khi có chương trình, tín dụng chính sách mới, thì cán bộ Ngân hàng chính sách triển khai trực tiếp tại các điểm giao dịch, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết, công khai các chương trình tín dụng chính sách mới tại điểm giao dịch để người dân biết, từ đó nguồn vốn tín dụng chính sách đã nhanh chóng đến được tay người dân và phát huy được hiệu quả”.

Tin rằng, với những kết quả đạt được, trong thời gian tới huyện Cầu Kè sẽ phát huy tối đa vai trò của các cấp, các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển, đặc biệt phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025 theo lộ trình đã đề ra./.

 

                                                                              Bài, ảnh: Nguyễn Triệu

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 634
  • Tất cả: 4228761
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.