MÔ HÌNH “NGHE DÂN NÓI – LÀM DÂN TIN” KỊP THỜI GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ BỨC XÚC TỪ CƠ SỞ.

         Thực hiện mô hình “Nghe dân nói – Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

         Mô hình được thực hiện vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng và chia làm 02 buổi, với nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó, buổi sáng tập trung thực hiện các nội dung “Nghe dân nói” gồm: Tổ chức chào cờ tại trụ sở của xã; đánh giá ngắn gọn kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng và định hướng nhiệm vụ trọng tâm; nghe ý kiến đề xuất của cán bộ, công chức; biểu dương những đồng chí làm tốt, nhắc nhở những đồng chí còn hạn chế, khuyết điểm. Tổ chức đóng góp quỹ hỗ trợ đối tượng chính sách gặp khó khăn (mức đóng góp tùy vào tinh thần tự nguyện của từng cá nhân), công khai nguồn thu và nguồn chi... Lãnh đạo Đảng ủy, UBND, công chức chuyên môn thực hiện các hoạt động tiếp dân (xoay vòng ở các ấp – khóm), nghe dân phản ánh ý kiến, trình bày những vấn đề khó khăn, bức xúc; tiếp thu, giải quyết ngay những vấn đề người dân phản ánh thuộc thẩm quyền; tiếp thu những nội dung vượt thẩm quyền hoặc cần thời gian thẩm tra, xác minh và hẹn thời gian, địa điểm để giải quyết những khó khăn, vướng mắc …

         Buổi chiều tập trung thực hiện các nội dung “Làm dân tin”. Theo đó, lãnh đạo Đảng ủy, UBND cấp xã đến tận nhà thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ đối tượng chính sách gặp khó khăn, người nghèo, người già neo đơn; trẻ em hiếu học có hoàn cảnh khó khăn… (chỉ tiêu mỗi tháng 02 trường hợp/xã; nguồn kinh phí tặng quà được sử dụng từ nguồn vận động trong buổi chào cờ hoặc nguồn xã hội hóa hợp pháp khác); khảo sát nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của hộ dân, trên cơ sở đó định hướng hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn; tổ chức các hoạt động tình nguyện giúp dân (tại nhà hộ dân được đến thăm) hoặc tổ chức một buổi lao động tình nguyện trên địa bàn ấp – khóm…

         Để thực hiện hiệu quả mô hình này, lãnh đạo huyện yêu cầu phải chấp hành nghiêm một số vấn đề như: Nội dung trả lời cho người dân phải chính xác, đúng quy định, có lý, có tình; trường hợp chưa nắm chắc vấn đề thì tiếp thu, hẹn trả lời vào thời gian khác, tuyệt đối không để xảy ra tranh chấp trong lúc “nghe dân nói”, làm mất lòng tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Việc hỗ trợ dân là hoạt động tình nguyện; lực lượng hỗ trợ phải được thông báo trước một ngày về thời gian, địa điểm và công việc hỗ trợ; khi đi phải đem theo đồ dùng cá nhân và công cụ lao động; do thời gian hỗ trợ ngắn nên khi làm phải nhiệt tình. Việc chọn đối tượng hỗ trợ phải công tâm, khách quan, không định kiến hẹp hòi, không thiên vị người thân…; quá trình thực hiện tránh hình thức, lãng phí không cần thiết. Phải lập thành bộ hồ sơ, định kỳ theo dõi, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Riêng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy (kể cả Thường trực Huyện ủy) cũng thực hiện các nội dung tương tự nhưng chọn điểm riêng, theo lịch riêng, vừa để trực tiếp nghe người dân phản ánh và giải quyết những vấn đề thuộc làm quyền, vừa để kiểm tra lại kết quả thực hiện của cấp xã.

anh tin bai

Quang cảnh buổi họp nghe dân nói tại xã Ninh Thới

         Trong 06 tháng đầu năm 2024 mô hình được triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, kết quả tổ chức được 55 cuộc, có 1.146 người dự, (11 đơn vị xã, thị trấn), với 252 ý kiến, các ý kiến kiến nghị đã được các ngành các giải quyết xong đạt 100%; Tổ chức thăm và tặng quà cho 55 phần quà, trị giá 26,5 triệu đồng hỗ trợ hộ khó khăn, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bệnh  nhân nghèo đang điều trị, dọn dẹp cây xanh, cỏ dại, chăm sóc tuyến đường hoa. Nâng tổng số được hỗ trợ 288 hộ, số tiền 128,5 triệu đồng; huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đoàn thể và nhân dân tổ chức dọn dẹp cắt tỉa cây xanh, vệ sinh cảnh quan môi trường, với tổng chiều dài 46,3 km; xây dựng 03 căn nhà tình thương trị giá 132 triệu đồng; sữa chữa 03 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở, trị giá 54,3 triệu đồng; vận động xây dựng nhà vệ sinh cho 02 hộ gia đình khó khăn, với số tiền 2,9 triệu đồng.

anh tin bai
anh tin bai

Thăm gia đình chính sách và tham gia xây dựng đường đal nông thôn (nội dung làm dân tin)

         Nhìn chung mô hình “Nghe dân nói – Làm dân tin” ở huyện Cầu Kè đã được người dân đồng tình cao và hưởng ứng tích cực, xem đây là một diễn đàn để người dân trực tiếp trình bày ý kiến của mình đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là được gặp và trao đổi trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; đồng thời, đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để các cấp ủy, chính quyền nắm bắt thông tin từ người dân bên cạnh các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Thành công nhất của mô hình là đã nêu cao được tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; giải tỏa được khá nhiều những vấn đề bức xúc của người dân; hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp từ cơ sở, tạo sự gắn bó ngày càng mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; phát huy tình làng nghĩa xóm, đạo lý uống nước nhớ nguồn; động viên Nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

         Để mô hình ngày càng từng bước tạo lan tỏa ra sâu rộng đến cơ sở, huyện Cầu Kè tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả của mô hình này trong thời gian tới, trong đó chú trọng lựa chọn những nơi có nhiều bức xúc, nhiều dư luận để thực hiện, nhằm lắng nghe được nhiều hơn những phản ánh từ thực tế của người dân, qua đó kịp thời phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở, kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc của nhân dân; ổn định dư luận và tăng cường sự đồng thuận của xã hội. Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của người dân, quan tâm hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân… qua đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả của mô hình ngày càng đi vào chiều sâu và tạo lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Nguyễn Hừng
Bản đồ



image advertisement

 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 5
  • Trong tuần: 759
  • Tất cả: 4236031
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.